Chào mừng đến DTGENTA.COM

Năm 2022, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi về đầu ra khi dự báo khả năng xuất khẩu đạt không dưới 6 triệu tấn. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng nhanh như hiện nay, thì có nguy cơ sẽ “ăn” hết lợi nhuận của người nông dân.

 

Lúa gạo năm 2022 không loa đầu ra, nhưng gành nặng chi phí sẽ “ăn” hết lợi nhuận của nông dân. Trong ảnh nông dân xuống giống vụ lúa đông xuân 2021-2022.

Có thể không có đủ gạo để bán

Tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân phía Nam diễn ra vào hôm nay, 13-11, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, ngành lúa gạo Việt Nam ít khi phải cứu, đặc biệt ở vụ đông xuân không đủ gạo để bán.

Ông Nguyễn Việt Anh dẫn câu chuyện thực tế từ năm 2015 đến nay, khi Philippines điều chỉnh chính sách giao cho tư nhân nhập khẩu, thị trường này khá chuộng hạt gạo Việt Nam. “Trong khoảng 2 triệu tấn họ (Philippines) nhập, thì có 85-86% là từ Việt Nam”, ông dẫn chứng và nói rằng, các giống như: Đài Thơm 8, OM 5451 được Philippines mua của Việt Nam rất nhiều.

 

Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 370-380 đô la Mỹ/tấn, trong khi gạo OM 5451 của Việt Nam cao hơn khoảng 100 đô la Mỹ/tấn và gạo Đài Thơm 8 cao hơn 120 đô la Mỹ/tấn, nhưng thị trường Philippines vẫn mua, vị doanh nhân này gẫn chứng.

Ngoài Philippines, tại thị trường châu Phi, có Ghana và Bờ Biển Ngà mua gạo thơm của Việt Nam khoảng 700.000 tấn/năm; Trung Quốc thì phần lớn nhập gạo nếp và giống ST; thị trường Malaysia, Cuba và Indonesia thì nhập gạo IR 50404. “Indonesia là yếu tố bất ngờ trong năm tới, có thể họ sẽ nhập khẩu và một khi họ xuất hiện, thì chắc chắn chúng không có gạo để bán”, ông Nguyễn Việt Anh dự báo. Và bổ sung thêm, năm 2022, giá lúa gạo sẽ cao, bởi nhìn tổng thể lúa mì, bắp và các ngành khác đều tăng, thì giá gạo cũng phải nằm trong xu hướng đó.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng hầu hết vật tư nguyên liệu trên thị trường đều tăng, nhất là với ngành sản xuất lúa gạo các vật tư như giống, phân bón có chi phí tăng rất cao. Từ đó, sẽ đẩy chi phí giá thành sản xuất của người nông dân cũng tăng theo. “Nhưng nếu vì vậy mà chúng ta nghĩ giá gạo xuất khẩu cũng sẽ cao, thì cần phải xem xét lại”, ông Bình nêu mối lo ngại.

Vị doanh nhân này phân tích, giá gạo Việt Nam những năm qua đã có sự thay đổi ngoạn mục trong mắt của nhà nhập khẩu do sự thay đổi tích cực về cơ cấu giống và quy trình canh tác, đặc biệt Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam- EU (EVFTA) và đại dịch Covid-19 cũng tạo ra bối cảnh thúc đẩy giá gạo Việt Nam tăng. Thế nhưng, năm 2022 sắp tới, tình huống giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng theo giá lúa thì có thể sẽ không xảy ra.

“Ví dụ, gạo Việt Nam đã bán 1.000 đô la Mỹ/tấn, thậm chí hiện doanh nghiệp của tôi đang đóng container bán 1.100 đô la Mỹ/tấn đối với gạo ST 24. Tuy nhiên, gạo nói chung của ĐBSCL như OM 5451, Đài Thơm 8, thì cố gắng lắm chỉ bán được 500 đô la Mỹ/tấn vào năm tới thôi, chứ không kỳ vọng giá sẽ cao hơn”, ông Bình cho biết.

Dự báo về xuất khẩu gạo năm 2022, ông Bình cho rằng Việt Nam sẽ xuất khẩu không dưới 6 triệu tấn. Bởi, thứ nhất, chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt nhà nhập khẩu; thứ hai, Việt Nam đã có một lượng khách hàng truyền thống. “Kể cả năm 2021 này, dù chúng ta có 3 tháng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng khả năng xuất khẩu cũng không dưới 6 triệu tấn”, ông cho biết và tái khẳng định, đầu ra của ngành lúa gạo Việt Nam là không đáng lo ngại.

Gánh nặng phân, giống

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, đó là người nông dân sản xuất lúa gạo năm 2022 tới liệu sẽ có lợi nhuận cao khi áp lực chi phí đầu vào gia tăng rất cao?

Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, về lúa giống, địa phương có nhu cầu rất lớn, nhưng hiện gặp nhiều khó khăn đối với giống lúa có chất lượng. Điều này, xuất phát từ việc các doanh nghiệp sở hữu lúa giống không chia sẻ bản quyền theo luật sở hữu trí tuệ.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ đứng ra trao đổi giữa các đơn vị giữ bản quyền giống lúa với các đơn vị sản xuất cung ứng.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang khẳng định sẽ làm trung gian đảm bảo các trung tâm, hợp tác xã (nhận chuyển giao bản quyền) phải nộp bản quyền và nộp đúng số lượng các đơn vị này bán ra”, ông Toàn nhấn mạnh.

Việc không chia sẻ bản quyền chính là một trong những lý do khiến giá lúa giống bị nâng lên cao. “Trước đây, giống OM 5451, OM 18 sản xuất và bán ra 13.000 đồng/kg, nhưng hiện nay tăng lên hơn 15.000 đồng/kg, có nơi 15.800 đồng/kg”, ông Toàn dẫn chứng và cho rằng, điều này làm chi phí đầu vào của bà con nông dân tăng thêm.

Đại diện Công ty phân bón Bình Điền thừa nhận, việc giá phân bón thời gian gần đây tăng rất cao đã tác động không ít đến chi phí giá thành sản xuất của người nông dân.

Theo vị này, Ấn Độ chào mua 1 gói 1 triệu tấn phân U-rê trong 3 năm, thì có mười mấy nhà cung cấp trên thế giới cung cấp với giá thầu khoảng 1.000-1.100 đô la Mỹ/tấn. “Mọi năm, chúng ta nhập khẩu U-rê hạt đục từ Malaysia và Indonesia, nhưng nay Indonesia và Malaysia mới trúng thầu với giá gần 1.000 đô la Mỹ/tấn”’, ông cho biết và thông tin, các nước Trung Đông, Nam Mỹ hiện nay mua với giá 870-950 đô la Mỹ/tấn phân u-rê.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, phân u-rê ở khu vực miền Tây được đại lý cấp II bán trực tiếp cho nông dân vào hôm nay, 13-11, với giá 930.000 đồng/bao 50 kg, tăng 60.000 đồng/bao 50 kg so với mức giá chỉ cách đó một ngày và tăng gấp đôi so với mức giá cách nay chỉ hơn 3 tháng.

Với việc giá vật tư đầu vào tăng nhanh như hiện nay đang tạo gánh nặng rất lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa của người nông dân nói riêng. Điều này, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến lợi nhuận thu được của người nông dân trong năm 2022.

Kết nối với chúng tôi:

Đăng kí nhận tin:
0933.373.318
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon